Vương, Hoàng khởi binh Loạn_Hoàng_Sào

Hoàng Sào là người giỏi cưỡi ngựa bắn cung và văn chương, từng ứng thí trong các kỳ thi khoa cử, song không đỗ đạt.[2] Hoàng Sào trở thành một thương nhân buôn bán muối tư, do triều đình Đường khi đó giữ độc quyền buôn bán muối nên diêm bang của Hoàng Sào nhiều lần phải tiến hành xung đột vũ trang với quân tuần tra của triều đình.

Năm Càn Phù thứ 1 (874) thời Đường Hy Tông, Vương Tiên Chi nổi dậy tại Trường Viên[chú 1] và đến năm 875 thì nhiều lần đánh bại Thiên Bình tiết độ sứ Tiết Sùng (薛崇). Năm Càn Phù thứ 2 (875), Hoàng Sào nổi dậy tại khu vực nay là tây nam huyện Hà Trạch của tỉnh Sơn Đông, với vài nghìn người rồi hợp binh với Vương Tiên Chi.[2]

Năm Càn Phù thứ 3 (876), Vương Tiên Chi đàm phán hòa bình với triều đình Trường An. Đường Hi Tông cử sứ giả đến tuyên bố sách phong Vương Tiên Chi làm quan. Tuy nhiên, Hoàng Sào lại không được phong chức gì, ông tức giận và nói: Ban đầu chúng ta cùng lập đại thệ, hoành hành Thiên hạ. Nay chỉ mình ngươi được nhận chức quan tả quân, 5000 binh sĩ ở đâu biết về đâu?[2] Hoàng Sào đánh vào đầu Vương Tiên Chi đến chảy máu, các binh sĩ nổi dậy cũng đồng thanh phản đối hòa giải. Vương Tiên Chi lo sợ trước cơn thịnh nộ của quân sĩ nên quay sang cướp phá Kì châu. Tuy nhiên, sau đó đội quân nổi dậy bị phân thành hai nhóm, một nhóm khoảng 3000 người theo Vương Tiên Chi, và một nhóm khoảng 2000 người đi theo Hoàng Sào về phía bắc.[2]

Tháng 2 ÂL năm Càn Phủ thứ 4 (877), quân Hoàng Sào đánh chiếm Vận châu[chú 2], giết chết Tiết độ sứ Tiết Sùng. Sang tháng 3 ÂL, quân Hoàng Sào lại công phá Nghi châu[chú 3].[3] Vào mùa hè năm 877, Hoàng Sào hội quân với bộ tướng Thượng Nhượng của Vương Tiên Chi tại Tra Nha Sơn[chú 4]. Sang tháng 7 ÂL, hai đội quân của Hoàng Sào và Vương Tiên Chi hợp binh trong một thời gian ngắn và tiến công Bình Lô[chú 5] tiết độ sứ Tống Uy (宋威) tại Tống châu[chú 6], có ý đồ cắt đứt giao thông trên Đại Vận Hà. Tuy nhiên, một tướng Đường khác là Hữu uy vệ thượng tướng quân Trương Tự Miễn (張自勉) sau đó đem 7000 quân Trung Vũ đến và đánh bại liên quân, Vương Tiên Chi và Hoàng Sào từ bỏ chiến dịch và lại phân binh.[3]

Tháng 2 ÂL năm Càn Phủ thứ 5 (878), Vương Tiên Chi chiến bại trước Chiêu thảo sứ Tăng Nguyên Dụ và bị giết. Thượng Nhượng đem tàn quân của Vương Tiên Chi đến hợp binh với Hoàng Sào tại Bạc châu[chú 7]. Thượng Nhượng đề nghị Hoàng Sào xưng vương, Hoàng Sào quyết định xưng hiệu là Xung Thiên đại tướng quân, cải nguyên "Vương Bá", nhằm thể hiện sự độc lập với triều đình Đường.[3]